THỜI GIAN GOM NHẶT

THƯ NHÀ THƠ CHẾ LAN VIÊN VIẾT CHO HÀ VĂN THÙY

CÙNG BẠN ĐỌC

Hơn mười năm trước, Nhà xuất bản Kiên Giang đã in tập thơ này. Nay tôi bổ sung cho đầy đặn.
Trong lần in này, tôi thấy cần công bố ba trong số những lá thư nhà thơ Chế Lan Viên viết cho tôi.
Không hề có ý ăn theo tên tuổi Ông bởi lẽ thơ là giá trị tự thân, tôi chỉ muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với tình cảm Ông dành cho tôi.
Tôi cho rằng đây là cơ hội thích hợp bởi lẽ khó còn dĩp nào khác mà nếu lỡ đi có thể sẽ mai một những bằng chứng về sự tốt đẹp ở con người.
Xin gửi một bông hoa tới Trời Hoa nơi Ông.
20-4-1985
Thân gửi Anh Thùy
Anh Thùy thân mến, Anh tha lỗi cho tôi, tôi được thư anh và quà anh cho lâu rồi, mà nay mới viết cho anh được. Vì bận quá sức quá sức, mà chả việc gì ra việc gì cả.
Sáng mai tôi lại đi Huế và Đà Nẵng họp, độ 3-5 mới về. Chờ ra đấy thì lại bận hơn! Cho nên viết vội vài dòng cho anh vậy. Tôi rất mong anh em ở Bắc vào, nhất là những nơi cùng trời cuối đất, có đựơc những thành tựu những nỗi vui gì cho bõ công rời quê nhà ra đi. Cho nên anh hay anh Khoa hay anh em khác có được cái gì in, xuất bản, tôi rất mừng. Nhưng anh biết, mọi việc không dễ dàng. Ví dụ in ở Sài Gòn phải là cái gì viềt về thành phố này. Còn in ở Hà Nội, thủ đô, thì lại là các bài có chất lượng cao (cố nhiên Hà Nội cũng in khối thứ dở nhưng đólà những người sắp hàng lâu, hoặc phục vụ một đề tài đang là trọng tâm, hoặc có bài đăng thường xuyên, tên đã quen, hoặc chưa có ai biết nhưng đột ngột được chú ý qua một giải thưởng) Anh chẳng thuộc 1 trường hợp ấy, nên khó hơn. Khi đã khá, thì người ta in thôi chớ đâu phải mình không lấy nhuận bút hay chịu bù lỗ. Anh để cái tiền bù lỗ đó mà ăn phở, bồi dưỡng cho mình cho vợ con, có khi khỏe mạnh ra, phấn khởi lên, thì thơ lại hay thêm. Anh nói gửi cho tôi hai tập, tôi chỉ nhận có tập đánh máy chưa đọc kỹ, tôi liếc qua. Thấy anh có hồn thơ như tôi đã nói lúc ấy, và thật quý là ở chỗ cùng trời cuối đất, chỗ bán buôn giành giật vẫn có một hồn thơ đáng mến ở đó. Ở anh tứ tuyệt lại khá. Đó là điều đáng mừng. vì làm tứ tuyệt là biết cô lại. Trong lớp trẻ hiện nay mạnh ở lực áo ra và cũng chết ở lực ào ra đó. Cần hai lực ào ra và thu lại mới làm thơ được.
Nhưng anh cần tăng cường chất sống nữa, chất xúc động nữa, ở anh còn mỏng quá. Có lẽ anh thích tinh vi, tinh tế mà sợ thô lỗ, ào ạt chăng? Cần cả hai.
Thôi, để lúc nào tôi về bàn sau. À, chị Tri Túc còn sống ở Pháp. Chị qua đấy thăm anh Hoán ốm, anh Hoán chết, và chị Túc xin Chính phủ ở luôn lại. Các anh ta qua đó ghé chị, chị vẫn tốt.
Anh nên viết thêm ký, bình luận nữa ngoài thơ. Tuy thơ sẽ là chính. Chúc anh kiên nhẫn.
Một lần nữa cảm ơn anh
Thân ái
Chế Lan Viên.

17-6-1987
Anh Hà Văn Thùy thân mến
Anh Thùy ơi.
Đọc thư anh mừng lắm. Qua thư anh biết qua tình hình mỏi mệt của anh Khoa và Anh, càng thương cho các anh. Tôi cũng có cái khó và mệt của tôi, nên dễ thông cảm, nhưng dù sao tôi cũng gặp nhiều thuận lợi hơn. Xin cảm ơn Anh chuyện lo cho tôi ra Phú Quốc. Tôi mê cái hòn đảo địa đầu ấy lắm. Muốn trở lại lâu, viết cái gì về đó và cảm giác lờ mờ là sẽ viết được. Đảo mà! Nhưng anh thưa lại giùm các đồng chí ở tỉnh và ở đảo, cơ hồ từ nay đến hết tháng 7, tôi bị nghẹt rồi. Trời ơi, năm nay tôi bị cái nạn viết tựa. Đêm qua vừa xong một bài. Ngày mai lại bài khác. Còn độ 4 cái như vậy cho đến tháng 7. Nhưng anh giữ chỗ cho tôi. Thế nào tôi cũng về mà. Bây giờ xây qua chuyện của anh. Tập thơ sửa đến đâu rồi? Sau một thời gian đọc lại, các lời tôi góp có hại hay có ích gì. Bây giờ vấn đề quan trọng hơn là anh đã xác định mình sẽ văn là chính hay thơ. Viết về đề tài gì? Chỗ mạnh chỗ yếu của mình, có nắm được không? Đừng có bạ gì viết nấy, cuối cùng có nguời 1 đời chỉ gọi là làm văn học thôi chứ không rõ là ai, là gì, là thế nào. Tôi ở xa nhưng tôi nghĩ, anh phải lấy thế mạnh của mình là ở vùng đất xa, ìt ai đến, chưa ai khai thác mấy, mà anh đã 10 năm rồi. Hơn thế, anh ở Bắc vào, nơi khác đến, đó cũng là thế mạnh, dễ cho mình thấy khác chỗ nào, đặc biệt, đặc trưng, đặc tính các nơi. Nghĩa là anh đi sâu vào để viết nơi anh ở anh cứ tiếp tục làm thơ, vì anh cũng có khả năng rõ, nhưng anh biết không, Tônxtôi làm thơ hết sức dở, chỉ có Tourgeneff dở hơn thôi, và hai ông trở thành vĩ đại bởi văn xuôi. Với văn xuôi, anh có thể khai thác hết cả, trọn vẹn, không bỏ gì của thực tế. Thơ khảnh ăn, bé mồm lắm, nên bỏ thừa rất nhiều chất liệu. Cái tôi lo nhất là các anh học ra sao? Mỗi năm có đọc được 100 quyển sách không (tuần hai quyển). Có ngoại ngữ gì không? Sử dụng thế nào? Trong văn học ai là người sau cùng sẽ đến chứ không phải chạy đầu. Cứ bình tĩnh lo bộ rễ, đừng lo trái lo hoa. Phải có kiến thức thì mới sử dụng được chất liệu, vốn sống được. Chắc cái này anh thừa hiểu, nhung tôi là người sắp mãn đời đi theo các anh Xuân Diệu, Nguyên Hồng, nói chắc anh tin hơn.
Phần tôi, tôi giúp được gì cho anh, anh cứ nói. Với anh em bỏ miền Bắc quê hương, đi vào nơi đầu sóng ngọn gió. Lại vào một con đường mù mờ, bấp bênh, ngoằn ngòeo, vặn vẹo là văn học, tôi rất thương và muốn mình có ích trong chút gì đó.
Cuộc đời ai không có chuyện lo, buồn, bực dọc. nhưng cứ phải giữa mưa đội nón mà đi, giữa nắng cưỡi xe mà vượt, cứ phải lo học, lo đọc, lo viết, chớ ai đâu biết cái khổ riêng, lo riêng của mình mà chiếu cố cho mình.
Các anh ở nơi hẻo lánh, cô đơn, vào nghề chưa quen lắm, chắc gặp muôn vàn trở ngại. Nhưng biết làm sao được. Chúc anh khỏe. Anh cho tôi biết, hiện nay ngoại ngữ của anh là gì. Vì nến anh biết tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi sẽ chép một số câu thơ Pháp hay cho anh. Nói anh Khoa tôi cũng nhớ anh ấy luôn. Thôi nhé. Chờ thư các anh, nếu các anh không bận. Anh có tài liệu gì về Chiêu Anh Các, về Phú Quốc, về Kiên Giang cổ hay mới, nhất là cổ, cứ gửi cho tôi theo địa chỉ này. Đến nơi mà.
Thân yêu.
Chế Lan Viên
T.B. Tôi vừa được thư anh Khoa sáng nay và đã trả lời nhân bài của anh Long Hưng nào đó đánh anh Tố Hữu một cách rất độc ác, hèn hạ và cơ bản là vu khống vào lúc để nhất, cơ hội thuận tiện nhất.

Anh Hà Văn Thùy thân mến
Cả sáng nay tôi đi tìm cái thư đã viết cho Anh. Chả biết để đâu, bây giờ phải viết lại. Thậm chí từ tuần trước, lâu quá chưa trả lời, tôi định đánh cái điện cho anh yên tâm: đại khái “tốt. Có thể xuất bản” cho anh khỏi lỡ, nếu kế họach cuối năm còn.
Tôi hiện nay cho đến hai tháng nữa căng lắm lắm. Không còn một chút thì giờ. Sau đó mới ngóc đầu lên. Chỉ xin tóm mấy điều:
1) Mừng cho anh. So với trước, khá hơn. Anh đi vào cái Thực được, mà không thực thà. Mà có tình cảm. Vậy nói với tỉnh vào danh sách in năm này.
2) Nhưng làm thơ là chuyện mênh mông chân trời lùi ra mãi. Không thể nói phét như nhà thơ nào đó, là tôi yên tâm cho đến cuối thế kỷ. Tôi bây giờ buổi sáng không biết buổi ciều còn khả năng không (đâu dám nói đến tài năng). Vì vậy anh phải học, học và học. Và vì thế nếu anh có xem mình là Platini đi nữa thì Platini cũng cần huấn luyện viên, nên một buổi tôi lại mổ xẻ ra trò thêm một buổi. Nhưng cái đó sau tháng 10.
3) Luôn luôn mỗi nhà thơ đều cần có phòng tuyến thứ hai: văn xuôi. Thậm chí cái đó là chính. Nó sử dụng hết vốn sống của anh, vốn học của anh. Thực tế miền Nam, không có văn xuôi bỏ phí nhiều tài liệu.
Tin cho anh rõ: Trong tập Bài ca Thôn Vĩ tôi có lấy Đông Hồ và Mông Tuyết.
Nhờ anh có gì về Oc Eo, về Chiêu Anh Các về xứ Hà Tiên, Kiên Giang anh cho tôi.
Tôi về già làm thơ kém đi, thì lại ham các loại nghiên cứu.
Tóm lại, mừng cho anh. Trong thơ phải phấn khởi một cách có khống chế và hoang mang một cách bình tĩnh. Hai năm trước mà anh chỉ hoang mang thì đâu có tập thơ này. (Nhiều người tôi góp ý cho, góp riêng, bí mật nhưng sau đó họ thù, cho rằng tôi bất tài, kèn cựa mới góp thế.) Nhưng bây giờ phấn khởi thì phải phấn khởi một cách bi quan: đường thơ còn dài nữa ư? Ngỡ đến đích rồi chứ! Không, sau chân trời cón khối chân trời.
Thôi nhé, bút xấu quá không viết tiếp được.
Thân yêu.
Chế Lan Viên
Tôi cũng học đòi các “bậc”, đặt tên cái vườn tôi ở là Viên Tĩnh Viên. Lố bịch một tí, nhưng đỡ buồn. Vì chả có gì là Tĩnh, chả có gì là Viên ở đây cả. Vậy thì, V.T.V 1/9/1987.



MẸ VÀ EM

Trong lòng em ấm êm
Anh thấy mình nhỏ bé.
Dịu dàng em vuốt ve
Anh bỗng thành thơ trẻ!

Anh chợt nhớ
Xa
Xa lắm rồi
Lòng Mẹ…

Mẹ chẳng theo anh đựơc cả cuộc đời
Bởi hai cuộc đời Mẹ không thể có
Nên gửi trao Em
Đứa con bé nhỏ.

Một nửa cuộc đời Mẹ sống trong Em
Giữ cho anh thơ trẻ!



SẼ CHẲNG BAO GIỜ

Sẽ chẳng bao giờ tôi nói yêu em
Nhưng nỗi yêu ai mà cấm được
Dù tóc tôi điểm nhiều sợi bạc
Còn em, trẻ đến se lòng!



CÚC ÁO

Gặp em từ cuối tuổi thơ
Lòng yêu đến bất ngờ như chớp
Em nắm mắt
Ánh tình bay mất
Xa tôi rồi, em bơ vơ…

Sau nhiều năm tôi mới trở về
Mừng em hạnh phúc.

Nhìn áo tôi
Một chiếc cúc lúc nào đã đứt
Em luồn kim
Tôi ngắm tay mềm
trên ngực nhẹ đưa.

Tôi ra đi
Với kỷ niệm sau cùng
quý nhất
Chiếc cúc trai ngời ánh chớp ngày xưa!
1968


BẦN

Tim tím hoa bần nở tím bến sông
Trái bần chua một thời thơ dại
Những ngày nắng chói chang đồng bãi
Vị bần ngọt lịm bát canh chua.



NGƯỜI CHĂN VỊT
Tưởng nhớ bố

Mùa gặt hái gọi về mùa vịt
Con ốc con cua cái tôm cái tép
Hạt rụng hạt rơi
Đàn vịt cần cù gom nhặt
Luyện trứng dâng người.

Bố đi chăn đồng ngoài
Đêm xuống hạ lều
Đàn vịt quây quanh cây cờ lá chuối.
Thương bố lạnh mà trời sương muối
Giấc ngủ chập chờn trong tiếng vịt kêu.

Tôi đi xa
Mỗi bận về nhà
Ôm bố ngủ
Nhận ra trong hơi ấm người
Mùi hôi vịt
Vị mồ hôi
vị mồ hôi thân thuộc
như khuôn mặt gầy nắng cháy bố tôi.

Cờ chuối trong tay
Bố đưa vịt đi rồi

Trao lại ban mai
Trứng hồng
trắng ổ.

Làng Cổ Đẳng – 1974


BÃI NGỰ

Chiều xuống chậm nắng vàng hoe Bãi Ngự
Cát như tơ viền xanh rượi bóng đừa
Ngôi nhà nhỏ ru mình trên bến vắng
Cô lẻ con thuyền chao sóng đung đưa.
Đảo Nam Du – 1984



THƠ TÌNH CHÙA PHÙ DUNG*

Ai ngày xưa chiều chiều
Dừng cương bên sườn dốc
Dõi bóng hình người ngọc
Mắt nhìn lòng rưng rưng…

Ai này xưa dâng hương
Bước nương thềm Điện Ngọc
Thổn thức thắt se lòng
Nghe vời xa tiếng nhạc!

Hôm nay ta là khách
Ngày xuân thăm cảnh chùa
Sen nở trắng lòng hồ
Chim đôi gù ấm núi.

Em lặng người không nói
Hai mắt lệ ướt nhòa
Nghe kể chuyện người xưa
Lòng quặn đau buốt nhói…

Anh nhìn ra vời vợi
Dõi bóng người trong sương
Nước mắt chảy vào trong
Thấm nỗi niềm nhân thế.

Ôi con người kỳ lạ
Tình yêu thành nỗi đau
Và tình yêu thật lạ
Năm tháng chẳng phai màu!

Lối mòn con dốc hẹp
Đôi từng đôi lên chùa
Nhận từ nỗi đau xưa
Sắc hương niềm vui mới.
Hà Tiên – 1982

*Ngôi chùa cổ ở Hà Tiên, nơi người thiếp của nhà thơ Mạc Thiên Tích tu hành.
Chiều chiều nhà thơ cưỡi ngựa lên dốc núi để từ xa ngắm nhìn người cũ khi nàng
dâng hương trên Điện Ngọc Hoàng.

PHÚ QUỐC NHƯ XƯA

Hàng dừa đung đưa
Đủng đỉnh xe bò
Chở nước sớm trưa
Phú Quốc như xưa.
Thơm mùi mắm mặn
Đất đỏ con đường
Phú Quốc như xưa…

Bến đợi thuyền về
Chàng ngư phủ say
Mặt trời nghiêng ngả
Ngõ hẹp xóm Cồn
Phú Quốc như xưa…

Đêm buông trăng mơ
Anh cầm tay em
Dạo bên Dinh Cậu

Sóng mãi hôn bờ
Phú Quốc như xưa…
Phú Quốc- 1982


MỘT LẦN HOA MUỐNG BIỂN

Nơi bãi bờ này anh gặp loài hoa
Loài rau dại giữa cằn khô cát sỏi
Hoa cứ tím như niềm nhức nhói
Như máu bầm nhỏ mãi tới sau xa…

Buổi chiều này hơn trăm năm qua
Cho nghĩa quân tản với rừng già
Một mình Nguyễn đi ra…

Đặt bước chân suy tư trên cát
Tới gần cái chết!

Nguyễn ngoái nhìn rừng xanh
Vết chân đơn độc
Rồi ngắt dây rau dại trói mình
Trên tay hoa tím nở rưng rưng…

Trăm năm qua từ buổi chiều này
Người đời nói bao điều về Nguyễn
Nếu Nguyễn thế này
Nếu Nguyễn thế kia…

Nhưng Nguyễn chết rồi nghe làm sao được!

Đến đây thì anh biết
Nếu trang sử nghiệt ngã kia lặp lại
Nguyễn sẽ từ rừng đi ra
Con đường tím màu hoa…
Anh tin điền này như tin màu hoa dại
Tin sức mạnh dịu mềm của sóng
Tin ở lòng dân thương Nguyễn đến không cùng…

Phú Quốc – 1987


CỜ

Chúng tôi cắm lên lá cờ
Đỏ bừng sắc lửa
Le lói cháy trong biển sương màu sữa

Trong đêm
Cờ hóa thân thành lửa đốt đồng
Cháy tới hừng đông.

Chúng tôi gieo hạt
Từ mồ hôi và bùn lầy
Phấp phới bay lên
Rừng cờ thanh thiên

Ôi rừng cờ
Rừng cờ
Rừng cờ
Phẫn phát bài ca của Đất
Mùa xuân…

Hòn Đất – 1980

NƠI TÔI ĐẾN


Tôi trở về nơi các anh xưa
Gặp Sân Gạch, Bời Lời, Ruộng Sạ
Xuồng ba lá bồng bềnh trên kênh nước lợ
Dừa nước xanh quanh những nếp nhà.


U Minh mùa này tràm ra hoa
Ven bờ nước bóng trâm bầu mát rượi
Sau cơn mưa sắc trời xanh vời vợi
Cánh ong bay hương mật yên bình…


Tôi về trong hơi ấm gia đình
Ba kể chuyện phá càn diệt bót
Gan góc lắm lòng người giữ đất
Máu các anh thắm mấy vạt rừng!


Giăng mùng cho tôi, má nhắc hoài các anh
Thằng Sáu Thái Bình, thằng Hai Hà Bắc
Nhà má nhỏ lá đơn sơ dựng vách
Xưa giấu anh nay tôi ngủ ngon lành.


Xóm ấp đi lên sản xuất tập đoàn
Tôi về xây chính quyền, lập hội
Gặp các anh những người đồng đội
Mở con đường dài rộng giữa lòng dân.


U Minh Thượng – 1979



RẠCH GIÁ CỦA TÔI


Con tàu say sóng khơi xa
Mệt mỏi về tựa vào vách phố


Chiều
Biển dâng ngực trần căng thở
Sóng dịu dàng vuốt ve hè phố
Rạch Giá của tôi


Âm thanh quen khúc hát con tàu
Tiếng còi vút cao chào bến
Dàn nhạc đệm trầm trầm giọng biển


Thành phố trên bờ
Thành phố biển khơi
Những người vợ tảo tần nuôi bầy con mọn
Những người chồng lênh đênh ngọn sóng.


Mặt trời lặn xuống biển hồng
Đèn biển xanh cháy lên cuối phố
Gió mặn thổi trang thơ tôi rộng mở
Rạch Giá của tôi…

Rạch Giá – 1979


SỐNG CÙNG RẠCH GIÁ


Thị xã cặm chân xuống biển
Con nước rông, xuồng xông thẳng vô nhà
Chú ba khía rong chơi giữa phố
Lũ trẻ bên đường săn cá lia thia…


Con tàu xỉn ngắc ngư vào bến
Chàng ngư phủ say ngất ngưởng về nhà
Chướng rồi nồm đổi thay chiếu gió
Mắm khắm cá tanh nồng đậm bốn mùa.


Nhà sàn chen với bần với đước
Trời nổi giông sóng tóe ướt chỗ nằm
Từ biển sình thổi lên gió độc
Cô gái môi son cổ cạo gió tím bầm*


Đã mười năm sống củng Rạch Giá
Tôi tới đâu cũng bè bạn chào mời
Mùi chượp mắm nghe quen thành thân thuộc
Gạo trắng cá tươi hóa máu thịt tôi rồi!


Rạch Giá – 1987

*cạo gió: một cách chữa bệnh trúng gió ở miền Tây





VIÊN TĨNH VIÊN
Nhớ anh Chế Lan Viên


Viên Tĩnh Viên ẩn quá sâu
Nhớ anh tôi biết nẻo đâu mà tìm?
Lối mòn xóm vắng ngõ im
Chều buông bảng lảng sương chìm trong cây…


Anh ra mở cửa run tay
Dáng thân xưa quá hao gầy xót xa!
Ghê gớm thay cái tuổi già
Gớm ghê hơn lại là cha cái nghèo!
Hồn thơ vào buổi xế chiều
Lặng im thấu tỏ bao điều đắng cay


Viên Tĩnh Viên phải là đây?
Xác xơ nhãn ổi cằn thay bóng đừa
Phong lan dường cũng lỡ mùa
Hoàng hoa gửi đốm sắc thừa vào thu…


V.T.V – 1989


LÃO KHÚNG
Nhớ anh Nguyễn Minh Châu

- Lão Khúng đâu?
Lặng im hồi lâu
Rồi anh nheo mắt
Cặp mắt nhà quê rất sâu
Anh khẽ nhăn trán
Cái trán nhà quê hơi thấp:
- Lão đang ngất ngưởng giữa đời!


Tôi và anh cùng cười
Phải, lão đang giữa đời ngất ngưởng!


Tôi bảo:
Người ta đang ném bùn vào lão
Họ chửi lão cá thể tản mạn!
Nhưng quên rằng
Khai sinh một vùng đất một dòng họ
Lão ngang với thánh thần!


Chiều nay rét căm căm
tôi gặp lão
dép lốp thô, chân giao chỉ to bè
ngất ngưởng trên đường Hà Nội
giữa chợ trời mắt lão nhăm nhe
cặp vòng bi, bộ bánh xe
để công nghiệp hóa theo kiểu lão…


Trên đường ra ga
Đạp lá sấu vàng phố Trần Hưng Đạo
Như tình cờ
Khúng nhập với dòng người phố chợ
Đưa anh tới nơi an nghỉ cuối cùng


Rồi ngất ngưởng lên tàu
Lão trở về với phần ruộng khoán

1989

VỚI PAXTERNAK

Năm 75 vào Sài Gòn
Tôi ngợp trong biển sách
Khóa trái cửa lật vội những trang sex
Cho đã thèm
Ba mươi tuổi chưa biết hôn
Róng rã mười năm trận mạc


Ngẫu nhiên tôi gặp
Paxternak
Đúng hơn, chàng Jivago
Cô Kiều của nước Nga
Chiếc lá bạch dương quay cuồng trong lốc
Số phận phũ phàng vùi dập.


Choáng người, tôi văng tục:
- Mẹ kiếp, sách hay thế mà cấm!


Xót xa, như một lần thanh lọc
Với Sài gòn đối mặt
Tôi bất phần hằn học!


Nay người ta phục hồi Paxternak
Việc này chẳng lạ
Lạ sao không sớm hơn
Càng lạ sao những điều xuẩn ngốc ấy lại có?!



GỬI TƯ ĐỨC

Bạn tôi vừa ra đi vì rượu
(nói lén thôi, e chị ấy buồn mình)
Cánh đàn ông chúng ta thì hiểu
Còn khối thằng theo thần tửu hy sinh!


Căn nhà xưa âm u như hầm mộ
Chiều quên buông hai đứa lặng ngồi
Rượu thay trà chung ca cùng uống
Chục năm rồi, ngày tháng chẳng êm xuôi…


Tứ thơ mới tượng hình trên giấy trắng
Truyện vừa xong bản thảo lần đầu
Anh lặng đọc mái đầu xoăn trầm mặc
Tôi đón chờ lời nhận xét xa sâu…


Thế là hết, Tư Đức ơi, thật hết
Chẳng còn đâu chiều vắng cùng ngồi
Thơ tôi viết biết đưa ai đọc
Rượu một mình đắng chát đầu môi!


Tôi mang lấy số phần phiêu bạt
Quê hương xa bè bạn gửi cho trời
Tư Đức mất đất này tôi đơn độc
Cuộc đời buồn, thân thiết mãi xa trôi…

Rạch Giá – 1993



CHIẾC NEO
Cho Út Phương Nam


Nhỏ bé – lớn lao
Yếu mềm – mạnh mẽ
Con
Chiếc neo
Đỡ cha giữa đời bão gió!

Trái tim mệt mỏi
Chân tay rã rời
Đất liền mù khơi
Con tàu mong manh muốn đắm
Cha sắp buông xuôi!

Tiếng cười con đánh thức tim cha
Bàn tay nhỏ níu cha vào cuộc sống!

Không thể mệt mỏi
Không thể rã rời
Không thể buông xuôi!

Tựa vào con
Cha
chèo chống
và hy vọng

1989


TÔI

Là Trái Đất
Tôi
Nhà địa chất
Là Vũ Trụ
Tôi
Nhà thám hiểm không – thời gian.

Ngày ngày
Cần mẫn
Tôi khoan
Từng milimet
micromet
Lòng tôi – Trái Đất

Ngày ngày
Tôi bay
Nhanh hơn
300.000 kilomet – giây
Vào hồn tôi – Vũ Trụ

Không tìm mỏ quý
Không phát hiện thiên hà
Tôi tìm trong Tôi
Vực sâu thấp hèn
Đỉnh non cao thượng
Bể đau buồn
Vụn quặng niềm vui
Bình nguyên yêu thương
Hang hốc hận thù
Và ánh sao
Hy Vọng

Là nhà địa chất
Tôi khoan tận tâm tận lực
Là nhà thám hiểm không – thời gian
Tôi bay tận tim tận óc.

Ngày ngày
Tôi
Phát hiện Tôi
Ngày ngày
Tôi
Sáng tạo Tôi.

1986


CÂY CÓI ĐÔI MÙA


Em ơi cây cói đôi mùa
Gắn bó với mình như lúa
Trong ắng vàng ươm rơm rạ
Cói về xanh ngát sân phơi


Làng ta trồng cói bao đời
Hỏi Mẹ, Mẹ không biết nữa
Mẹ bảo cái nghề vất vả
Sống nhờ nó đấy con ơi!


Sớm hơn cả ánh mặt trời
Rậm rịch người đi cắt cỏ
Càng khuya ngọn đèn càng tỏ
Tiếng cười sân cói râm ran.


Mùa cói cơm ăn ngoài đồng
Tiếc nắng ném theo túm mưởng*
Rộng rãi dõi trời bốn hướng
Lo cơn mưa đến bất ngờ.


Rồi khi mùa cói vội qua
Tay em nhọ nhem xây xát
Đói ngủ anh gầy hốc hác
Nhìn nhau cái nhìn thêm sâu!


Mùa cói thành mùa thương nhau
Mẹ dệt cho đôi chiếu đậu
Sợi chuốt nên màu óng mịn
Ấm nồng hương cói thơm lâu…

Làng Cổ Đẳng – 1973
*Mưởng:cói tươi chẻ ra trước khi phơi.





NGƯỜI ĂN XIN


Nón mê che đầu
Gậy bị cầm tay
Người ăn mày vào thành phố


Cộc…cộc…cộc:
- Tôi đói?!
- Mời bác bát cháo này!


Cộc…cộc …cộc:
- Tôi khát?!
- Mời bác ly nước này!


Cộc … cộc …cộc:
- Tôi rét?!
- Áo tôi đây, mời bác!?


Cộc… cộc… cộc:
- Cho tôi công lý?!
- Hãy tự mình giành lấy
Nếu muốn cháu con không phải ăn mày!


1988


THƯ TRƯỜNG SƠN
Kính gửi Mẹ


Lá thư này viết ở Trường Sơn
Viết lúc nghỉ trên đường


rối cất trong ba lô con cóc
Đèo trơn lắm chắc nhiều lần trượt dốc
Nên thư về lấm đất Trường Sơn


Trang giấy lấm bùn nghiêng những nét hồn nhiên
Con hỏi về cây vải thiều trước cửa
Đã chín chưa mùa đầu quả đỏ?
Chè đã xanh trong mảnh vườn nhà?
Chọn giống con ươm dành mẹ tuổi già…


Bạn con thêm đứa nào đi xa?
Đồng quê ta mùa này mấy tấn?
Nhà vắng con việc nhiều nên bận
Thương con mẹ chớ lo buồn!


Con đang ở Trường Sơn
Nơi giọt nước mưa chia về ba ngả
Nơi ba cánh rừng già trụi lá
Ba phía nhân dân chung một quân thù.


Qua mùa khô con vào mùa mưa
Những mùa chiến dịch
Con còn đi cho đến ngày hết giặc
Từ Sài Gòn
Chuyến tàu suốt dài theo đất nước
Đưa con về thăm mẹ thăm quê.


Đăm đăm nhìn ra phía trời xa
Một thoảng gió nồm về xoa mắt Mẹ
Tay nâng niu dòng chữ con mình có màu đất
Trường Sơn nóng đỏ
Miền Nam ơi, máu thịt Mẹ gửi vào trong đó!

1970


MƯA SAU CƠN BÃO

Bão lặng rồi
Gió lại hiền như tay vuốt người thương
Những giọt nước mát lành đổ xuống…

Là nước mắt của thiên hiên ân hận
Hay kết đọng tự lòng người nhân hậu
Người gọi mưa là
mưa trướt lá đền cây?



HOA Ở VÙNG KHO


Vùng trọng điểm bom day đến nỗi
Người đi qua nghiêng mình đạp vội
Sao anh đến đây?

Em nói rõ hay
Chính bởi có bom dày anh đến
Đến thăm, em thăm vùng kho trọng điểm.

Anh yên lòng cứ tin chúng em
Chúng em giữ vùng kho rất sạch
Thóc vẫn tốt không hề men mục
Anh yên lòng…
Nhưng anh đi thôi!

Tôi nao nao nghe khúc khích tiếng cười
Tiếng mái chổi chuyên cần gom lá
Luống đất mới vườn cải non tở mở
Hoa móng rồng đâu đó đưa hương…

Anh đi thôi, chúng nó đến bất thường
Lỡ ra thì khốn!
- Thế còn em?
- Chúng em đã quen rồi!
Nắng sân kho tươi rói miệng em cười.

Tôi yên tâm không phải bởi có hầm
Mà bởi nụ cười em tươi quá
Hương móng rồng đưa về thơm lạ
Tường kho lỗ chỗ mảnh bom găm!

Thụy Lương - 1972



Ở ĐÂU?


Bom nổ
Đất rùng
Hất ta khỏi giường êm
Trong giây lát giật mình nín thở
Giấc ngủ tiếp bồn chồn không đến nữa
Ta tự hỏi lòng
Bom Mỹ nổ ở đâu?


Máy bay gào rú trên đầu
Bom rền như sấm
Nhìn cột khói cuộn lên hình nấm
Ta đoán chừng
Bom Mỹ nổ ở đâu?


Ở đâu?
Ở đâu?
Bom Mỹ nổ ở đâu?
Đừng hỏi nữa!
Bom Mỹ nổ giữa lòng ta đó
Da thịt mình đâu máu chảy không đau?!


Thái Bình, những ngày B52 năm 1972




TÀU MỸ VỚT MÌN


Tàu Mỹ mỗi ngày ba lần bay qua
Bà không bắt xuống hầm ẩn nữa
Bà nheo mắt theo tay cháu chỉ
Chúng nó vớt mìn dọn bến quê ta!




Đề mộ


Theo người Mỹ tôi đi càn nhiều nơi
Họ gắn cho tôi chiếc mề đay sắt
Ở nơi này người Mỹ bỏ rơi tôi
Từ càng trực thăng xuống đất!





MONG VỀ THÁNG NĂM


Rảnh mạ xuân Mẹ vừa cấy vội
Run trong giá rét căm căm
Lòng Mẹ mong về tháng Năm

Tháng Năm ơi tháng Năm mùa màng
Mẹ ăn cơm trắng đi gặt lúa vàng
Tháng Năm ơi tháng Năm xa xăm
Tháng Ba này nhuận!

Phồng tay Mẹ kéo gầu thau chua
Mẹ bón thêm phân, sâu hại Mẹ trừ
Nỗi lo Mẹ phập phồng trong cơn gió trở
Niềm vui Mẹ xanh theo màu nõn lúa

Lòng Mẹ mong về tháng Năm…


CÁNH DIỀU

Cha cho con cánh diều
Như ông cho cha thuở nhỏ
Cha mở đường cày giữa mênh mông đồng cỏ
Cánh diều con bay lên!

Bộ sáo gia truyền bóng nước sơn Nam
Reo qua tuổi thơ ông
Reo qua tuổi thơ cha
Và im lặng một thời kháng chiến…
Cha bồi hồi nhìn cánh diều chao lượn
Âm thanh nào lắng xuống hồn con?

Ôi đồng bằng năm tháng bình yên
Giếng nước gốc đa
Mái chùa cổ cong cong rêu phủ
Lủy tre làng xanh mướt thời thơ trẻ
Và điệu chèo… tim đập chẳng bình yên!


Bao kỷ niệm thân quen
Chiếc niêu đất chôn nhau cha
Sắc cỏ xanh trên mồ ông nội
Cha để lại nơi chân trời vời vợi
Chỉ mang cùng con đến vùng đất mới
Cánh điều
Và tiếng sáo ngân!


Cánh diều bay
Cha gặp tuổi thơ con
Gặp tuổi thơ cha
Gặp tuổi thơ ông
Và cha gặp tuổi thơ đất nước


Ôi cánh diều
Mơ ước
Bay lên!

U Minh Thượng, mùa khô 1980



CHIM DI TRÚ


Cánh en cuối cùng bay về phương Nam
Ngược chiều gió
Tôi về phương Bắc.

Tôi trở về tổ nhỏ của tôi
Với chim mái một năm ròng mong tôi
Ba chim non suốt ngày ríu rít

Tôi khoác chiếc áo bông to xù màu xanh
Tôi quàng khăn giữ cho ấm ngực.

Bầu trời xám mâu chì, cơn mưa dầm rả rích
Ngày hanh rét ngọt
Đêm lặng im
Gió cuốn lá xạc xào
Tôi nghe hồn tôi tan vào mây vào giá lạnh
Tan hòa vào phương Bắc của tôi.


Ở nơi này mùa xuân đến với tôi
Không nơi nào mùa xuân đẹp thế
Trong hơi ấm mưa phùn cây lúa lên xanh
Và hoa nở.
Nào hoa hồng, thược dược, lay ơn
Và má hồng con gái
Sắc hoa rực rỡ sao dưới trời thủy ngân
Hương hoa thanh khiết sao trong gió dìu dịu mát.

Từ giã mùa xuân tôi đi
Mang theo tiếng chim mái gù
Tiếng bầy chim non ríu rít
Tôi mang theo hương hoa sắc hoa
Và làn gió mát
Tôi mang theo hồn phương Bắc của tôi

Bay về nơi chói chang nắng trời
Cánh mai vàng trước cửa chờ tôi!





CÚ VÀ BƯỚM

Người ta ghê tởm Cú Mèo
Dù biết Cú đêm đêm trừ chuột
Người ta mê Bướm Điệp
Dù biết rằng bướm đẻ ra sâu!




NÂM NẤM CỎ DẦY

Chợt nhận ra bên đường hành quân
Nâm nấm cỏ dầy ngây thơ trắng nở
Lòng ấm lại những ngày quê Mẹ
Vạt đê làng xanh suốt thuở chăn trâu.



THỜI GIAN GOM NHẶT

Mái đình nào không lượn một đường cong
Viên ngói nào không xám màu rêu phủ
Và bia đá, thời gian nắng gió mỏi mòn
Nói những gì, tôi chưa rõ…

Thăm thẳm dòng sâu sông Hóa đỏ ngầu
Ở khúc nào con voi xưa ra trận?
Ngọn dáo cổ đền đài trong im lặng xa sâu
Nói những gì tôi chưa rõ…

Tháng năm phai màu tóc trên đầu
Những vầng trán hằn nếp nhăn từng trải
Như nến tắt, thời gian là gió thổi
Mất những gì, tôi đã biết đâu!

Những câu ca năm tháng dãi dầu
(người đã khuất, chút tâm tình gửi lại)
Rơi rụng giữa luống cày lầm lũi
Mất những gì, tôi đã biết đâu?

Tôi nhìn anh, đôi mắt màu nâu
Có ngọn lửa nào cháy lên sáng thế:
- Con rồng ấy là vóc hình thời Lý
Viên ngói Trần riêng nét hoa văn.

Mũi tên Hùng bay mấy nghìn năm
Thanh kiếm Lê thon hình lá lúa
Hổ Đội, Ô trình… một thời đồn trú
Những tên làng gợi nhớ Lý Bôn…

Anh lọc ra từ những vật thường
Chiếc còng sắt ngục tù, mảnh máy bay giặc Mỹ
Bông lúa đầu nơi ruộng vừa lấn biển
Cỗ máy đầu xưởng máy mới khai sinh.

Con người đi không dừng để ngắm mình
Những thế kỷ xô áo lên trước
Đánh thức thời gian tim anh gom nhặt
Từ tro tàn, lửa thắp sáng tương lai…

Thái Bình – 1975



VỀ ĐÂU SÔNG ƠI!


Ôi dòng sông tuổi nhỏ mênh mông
Nước thăm thẳm se lòng bé dại
Tôi ngẩn ngơ nhìn con thuyền xa mãi
Về đâu sông ơi!


Ven sông xanh cói mọc thành rừng
Tôi lang thang trên bờ nhọn cỏ gừng
Châu chấu rộn bay xòe cánh tía
Cô trả yếm hồng trông nghiêng chiếc mỏ
Cậu cuốc bơ vơ nhớ vợ khóc hoài
Cục… cục… gà đồng gọi con trong tổ
Xác rắn màu chì phơi ngang nắng mai…


Ôi dòng sông nâng cặp mi dài
Chỗ rẽ xa xa nhòa đuôi mắt
Xôn xao lắm là dòng nước bạc
Về đâu sông ơi?

Thái Bình 1970



CHIM VƯỜNG QUẢNG NẠP

Trưa đồng bằng im ắng đến bâng khuâng
Chim chợt gáy ríu ran vườn Quảng Nạp
Lúa vàng mấy, cam cũng vừa đỏ ngọt
Tiếng chim gù gợi nhớ mênh mông…



HOA PHƯƠNG CUỐI MÙA

Trưa Đồ Sơn sóng dội xao bờ
Tôi hái cho ai chùm phượng cuối mùa
Biển chuyển màu thu hoa nhớ nắng
Gói sắc hè trong những cánh nơ.



ƯỚC


Cành cây xương xẩu
Khua trong giá buốt
Trơ trọi giữa trời ảm đạm


Đất cằn khô
Ngọn rau muống hiếm hoi xoăn đầu gà
Dây rau má biến mất
Rau dệu, thài lài cụt gốc!


Chỉ còn trên cao
Quả xoan chín vàng
Ngon như là ăn được?


Lạy trời
Ước gì quả xoan ăn được!





MIÊN TRUNG


Những con tàu vội đi
Về hai đầu mong đợi
Vút qua rồi để lại
Một miền Trung thật dài


Ôi miền Trung điệp trùng
Núi đồi cùng sông suối
Bạc phơ ngàn lau dại
Suốt miền Trung cằn khô.


Cát trắng viền biển xanh
Mặt trời lên nắng tỏa
Cảnh đẹp cho khách đường
Ngắm nhìn qua khe cửa


Biết bao người lại qua
Khen sóng trào thác đổ
Chân tình nhất những ai
Đến xây nhà dựng phố.



TÀU VÀ CẢNG

Giữa mênh mông tàu mong chút lặng bờ
Giờ căng xích cựa mình trên bến đỗ
Tàu lại muốn tung hoành trên biển dữ
Sóng dội thân tàu là cuộn sóng khơi xa!




LŨ SỨA


Lũ sứa dương ô nhởn nhơ trong biển
Nói với nhau thế này:
- Chỉ tại nước ghét ghen ngăn trở
Không thì tớ vút lên mây!




NGÔI SAO

Ngôi sao tắt rồi, ánh sáng gửi cho đêm
Anh ngã xuống rồi thư vẫn đến em
Anh muốn dõi về em mãi mãi
Để tái sinh trong mắt em tìm!



MÙA HÁI QUẢ

Chim núi chờ mọng tím đồi sim
Em ta nhỏ đợi tròn trăng gọt bưởi
Ông nội đợi hồng chín cùng cốm mới
Anh đang chờ hái một trái… tim!




THƠ HAI CÂU


Vắt kiệt trái chanh là việc của đời
Việc của tôi: luôn luôn mọng nước!


Ta tắm giặt, quét nhà, vệ sinh thành phố
Nhưng rác rưởi trên hành tinh cứ đổ!


Dạ lan thơm, quá thơm không chịu nổi
Bất hạnh những ai nhiệt tình quá đỗi!


Anh kiêu ngạo, anh chói chang quá đó
Ngọn đèn dầu bảo đèn điện thế!


Cô gái cười bà lão già xấu xí
Cô không tin có ngày mình cũng thế!


Bị đẩy về hưu lão ấy hết thời
Kẻ đang chức tin mình không thế, ngày mai!


Nhìn con thuyền bơi lượn trên sông
Tàu hỏa nghĩ mình bay cũng được!


Với phụ nữ chân tình là dại
Khôn nhất cứ ca những bài êm ái!



VỚI TƯỢNG ĐÁ TRONG CHÙA THÁP

Nàng ơi
Nàng sinh ở thời nào
Để chiều nay tôi gặp nàng trên bàn thờ phế tượng?

Nàng ơi,
Từ thế kỷ xa lắc nào đó
Chìm sâu trong bụi thời gian
Nàng mang đến cho tôi ấm áp hơi người
Ngôi sao xưa nguội tắt rồi
Nàng là hồi quang gửi lại!

Tôi nâng trên tay mảnh gốm cổ sơ
Nhìn ra gò cát:
Gò nhỏ ngổn ngang đá gạch
bộn bề mảnh vụn bê tông
cỏ phủ xanh một vùng phế tích…

Nàng ơi,
Nàng hãy kể tôi nghe
Về thời đại nàng rưc rỡ
Vì sao Phù Nam suy vong, Tháp Mười sụp đổ?1
Thời gian như nước qua cầu
Ông vua qua đây những ngày thất thế 2
Vị anh hùng đuổi giặc tới đây 3

Người nghĩa sĩ đánh Tây
Mộ bị xiềng trong xích sắt 4
Và ngọn tháp canh ngút trời vụn nát
Khi con người vùng dậy sống tự do! 5

Nàng ơi,
Lòng tôi như lòng đất ưu tư
Nhận về mình tất cả!

Tôi muốn thành nhà khảo cổ đẹp và trẻ
Gạt bụi thời gian
Tìm lại cho nàng nguyên vẹn hình thài thiếu nữ
Để tôi nắm cổ tay tròn
Dắt nàng đi trong biển lúa
Giữa màu xanh vô tận Tháp Mười.

Tháp Mười tháng 11-1982

1.Gò Tháp, một di tích văn hóa Oc Eo giữa Đồng Tháp Mười, nơi có nhiều mảnh tượng cổ.
2.Nhắc tới Nguyễn Ánh
3. Nhắc tới Nguyễn Huệ
4. Nguyễn Tấn Kiều
5. Tháp canh xây thời Ngô Đình Diệm




VIẾT CHO EM TỪ ĐỒNG THÁP MƯỜI

Không hái được bông sen Đồng Tháp
Dành tặng em xa thẳm cuối trời
Ngắt hoa muống tím bờ mương cạn
Tháp Mười trong tay đó em ơi!





NHỚ

Mấy tháng ròng mài miệt với đồng hoang
Ra thị xã gặp chôm chôm đỏ chợ
Lòng chợt nhớ vải thiều vườn Mẹ
Tháng Năm này tu hú về chưa ?



ĐÀN ÔNG VÀ RỪNG VẸT


Xe rầm rì đưa đàn ong đi
Ong ngủ kỹ rồi ong ơi có biết
Sớm mai sớm mai thức cùng chim hót
Ong sẽ ngỡ ngàng trước một rừng hoa…

Rung cánh màng ong vút bay xa
Ong ngơ ngác với trời nắng óng
Nắng trong suốt như mật vàng mới đọng
Gió, gió nhiều như vỡ tổ gió ra!

Và màu xanh màu xanh bao la
Thoảng hương lạ, ong ngỡ là hương nắng
Cứ theo hương mặt trời ong bay
Ong ngất ngây rừng như say…

Chút hương rừng ong thoáng nghe xa
Chợt nồng nàn từ cánh hoa màu trắng
Ong bối rối với mật đầy căng bọng
Phấn phấn vàng như trong giấc ong mơ!

Tự bao đời rừng vẹt ra hoa
Hương câm lặng thờ ơ ngọn gió
Và mật óng và phấn vàng uổng phí
Hoa héo tàn… năm tháng cứ đi qua!

Ong bay ong bay như sự thần kỳ
Rừng chợt biết thơm mình trong hương mật
Rừng chợt biết phấn mình đang gây sáp
Chút quà rừng ngọt môi trẻ nơi xa…

Xe rầm rì đưa đàn ong đi
Ong ngủ kỹ rồi ong ơi có biết
Sớm mai sớm mai thức cùng chim hót
Ong sẽ ngỡ ngàng trước một miền hoa…





TÔI TÌM


Tôi tìm anh chẳng thấy đâu
Con sông vẫn chảy, nhịp cầu dáng xưa
Nắng thu vàng óng tầu dừa
Bâng khuâng hương ổi vào mùa tìm anh


Sắc trời vời vợi vẫn xanh
Một con cò trắng yên lành nó trôi
Quê hương ơi cách xa rồi
Nhớ nhung chi để bồi hồi lòng nhau…


Tôi tìm anh chẳng thấy đâu
Bao giờ tới Mủi Cà Mau gặp người!





ĐỔ NÒ
Tặng anh Hai Hoanh


Thơ đã viết rồi
Truyện cũng viết rồi
Sao lòng day dứt
Nỗi buồn khôn nguôi…


Ra biển chiều nay
Thuyền con rẽ sóng
Ta đi đổ nò
Anh chèo tôi chống


Tôm càng biếc xanh
Cá chẽm ngời trắng
- bữa nay nước kém
nò không chạy nhiều
nhưng cũng đủ xài!
Anh cười thơ trẻ
Bàn tay chắc khỏe
Đẩy nghiêng mái chèo.


Tôm càng nướng thơm
Anh làm chủ xị
Nào ta cụng ly
Rượu hòa ráng đỏ


Nhà sàn lộng gió
Sóng reo bốn bề
Lòng như ấm lại
Tim trào ý thơ…


Nò: dụng cụ bắt cá ở Nam Bộ.


NHÁ


Trọn một năm dài ở đậu
Nay bố con mình có nhà
Mái thiếc tường xây sáng sủa
Cái nền lại lát gạch hoa


Chút ao cho bà tha cá
Chút vườn để mẹ trồng rau
Mát mẻ bóng dừa trước cửa
Con chơi bố bớt lo đau


Cái bàn kê bên cửa sổ
Có nắng soi vào sớm mai
Thanh thản trong lòng bố viết
Chắc rồi thơ sẽ thêm hay…


Nhắn cùng gần xa bè bạn
Nay mình đã có nhà rồi
Khi nào vào thăm Rạch Giá
Yêu mình nhớ ghé vô chơi!


Đường Mộ Bia, Rạch Giá 1982



GỬI VỀ QUÊ MÙA LŨ


“Mưa bốn trăm ly đổ xuống Hiệp Hòa
Tôi chèo thuyền nan về thăm quê ngoại”
Câu thơ cũ tưởng quên rồi xa vợi
Bỗng hiện về trằn trọc đêm mưa!


Mưa hai trăm ly, mưa bốn trăm ly
Bão chưa tan lại bão
Triều lên cường con nước Rằm tháng Bảy
Lúa cấy buông tay, nước ngập trắng đồng!


Sông Trà, sông Sinh, sông Luộc, sông Hồng
Những dòng thác chồm qua đỉnh lũ,
Ba chiếc rọ treo lên, trống dập dồn điếm cổ
Hàng vạn hécta nước trắng nhận chìm


Như bao đời Nhân Dân lại lên đê
Vai vác đất trần thân ngăn lũ
Lại cơi thêm bờ, chung lưng đấu thủy
Lại một phen đọ sức với trời!


Ngày mai ngày mai cơn lũ qua rồi
Lo cấy dặm lo trồng màu cứu đói
Tháng Tám qua… ông bà ta nói
Ôi Nhân Dân như sự sống kiên trì!


Bạn thơ ơi, bạn ở nơi nào
Bạn có đẩy thuyền nan chở đất
Đắp cao thêm bờ đê con chạch
ở phía sau là đồng lúa quê mình! 2


1. Thơ Kim Chuông
2. Tên một bút ký của Bùi Công Bính



CHƠI NÚI BÀ ĐEN


ĐI ĐƯỜNG
Đường xa đất đỏ bụi mù
Tây Ninh trưa ắng vù vù xe lôi
Nghiêng dù che nắng cho tôi
Cảm ơn em, biết nói lời chi đây?


VIẾNG
Nàng bao nhiêu tuổi chồng chưa?
Viếng nàng tôi đội nắng trưa sém mày
Chân chồn gối mỏi mà say
Lên chùa hương khói ngất ngây má hồng


CẦU
Trắng tươi bông huệ em cầm
Tay thon nâng thẻ hương trầm thơm bay
Cầu trời cho được duyên may
Xót lòng lũ trẻ ăn mày cứ van!


MONG
Người cầu phúc cầu tài
Cúi đầu lạy Đức Phật
Ta mong được yêu đời
Như nụ cười Di Lặc


Núi Bà Đen Rằm tháng Giêng 1991



ĐẴN GỖ


Ta đi lên rừng
Ta đi đẵn gỗ
Chim hót vang lừng
Tím hồng sim nở


Ta bước lên cao
Mồ hôi thấm áo
Thoáng cơn gió núi
Ơi sao ngọt ngào!


Ta vung rìu lên
Gỗ tung mảnh đỏ
Nồng nồng hương thơm
ầm ầm cây đổ


Gỗ lao xuống suối
Băng ghềnh gỗ trôi
Ta xây trường mới
Nghiêng bên sườn đồi.


Xóm Chuối, Ký Phú, Đại Từ, Thái Nguyên 1967


ỐM
Nhớ con Văn


Quê nhà con có khỏe không
ở đây mấy ngày bố ốm
đêm về cơ quan vắng lặng
một mình bố chẳng buồn rên.


Bố nằm trằn trọc trên giường
Lạch giường xiết đau xương bố
Cơn sốt chập chờn giấc ngủ
Bố mơ về nhà thăm con


Tay nhỏ bóp đầu êm êm
Bát cháo hành thơm của mẹ
Nồi nước lá xông của bà
Bố được cưng như hồi bé


Giật mình bố tiếc cơn mơ
Lầu cao bốn bề yên ắng
Tựa cửa bố ngồi im lặng
Lòng mong về nhà thăm con…



MỪNG TẾT BẠN GIÀ
Tặng anh chị Bồ Xuân Quý


Giang hồ một thời đánh giặc
Tuổi già neo thả nơi đâu
Ngõ sâu nhà tranh vách lá
Tim vàng hai trái bên nhau.


“Mình nghèo nhưng mình không khổ”
Vô ưu chẳng vướng nợ đời
Bạn đến câu thơ chén rượu
Điếu cày reo khói sương phơi.

Rạch Giá 1995



SỰ TÍCH CHIM CÁNH CỤT

I

Chuyện ngày xửa ngày xưa
Bà tôi thường hay kể
Khi loài người chưa sinh
Trái đất còn man rợ

Băng hà mới trải qua
Vạn vật vừa ốm dậy
Thế giới này khi ấy
Là quê hương loài chim

Trên trời mây xám bay
Dưới đất đầy tuyết trắng
Chim trốn rét khắp nơi
Tìm về miền đất ấm

Cây rừng vừa mới xanh
Sông hồ chưa lắm cá
Hoa trái cũng chưa nhiều
Chim kiếm mồi vất vả

Tranh nhau từng miếng ăn
Giành nhau nơi làm tổ
Lửa chiến tranh cháy bùng
Giữa những loài lông vũ

Năm tới rồi năm qua
Nghìn năm trôi như thế
Cuộc đời là hỗn mang
Luật rừng hoang thống trị

Biết bao nhiêu thây rơi
Bao nhiêu là máu đổ
Nước mắt chảy quá nhiều
Loài chim càng đau khổ!

II

Cho tới một ngày kia
Nghe Phượng Hoàng kêu gọi
Chim rủ nhau cùng về
Hồ Xanh họp Đại hội

Sử sách còn ghi lại
Đó là ngày tuyệt với
Mặt trời tuôn nắng ấm
Cây mùa xuân đâm chồi

Mỗi chim đều mang về
Bông hoa cài trên mỏ
Như tiếng nói chân thành:
- Tôi không cầm vũ khí!

Đại hội bàn rất kỹ
Luật Hòa Bình thông qua
Vẹt xanh làm nhiệm vụ
Đưa tin đến mọi nhà…

Đã chia nơi kiếm mổi
Lại chia nơi làm tổ
Cả giờ giấc đi ăn
Luật từng điều ghi rõ!

Đại hội nhất trí bầu
Phương Hoàng làm minh chủ
Có quân sư Cú Mèo
Giúp giữ gìn trật tự

Và chấm dứt từ nay
Cuộc chiến tranh đau khổ
Chim sẽ là anh em
Sống hòa bình hữu nghị

Rồi loài chim vào cuộc
Thi múa, thi hát ca
Thi cùng nhau sắc đẹp
Thi bay cao bay xa…

Bạn ơi hãy đến xem
Đàn công xòe cánh múa
Cái đầu uốn thật mềm
Áo hoa càng rực rỡ.

Mời bạn hãy lắng nghe
Trăm giọng chim lảnh lót
Mỗi giọng đã hay rồi
Hòa vào nhau càng tuyệt!

Đại bàng bay vút lên
Cánh quạt thành gió mạnh
Lượn tít mít trời cao
Loài chim nhìn kiêu hãnh

Trong bổng trầm nhạc chim
Phượng Hoàng vào điệu lượn
Đuôi năm sắc cầu vồng
Thật dịu dàng uyển chuyển

Ngày Đại hội kết thúc
Chim ra về, chia tay
Hẹn cùng nhau chung sức
Giữ hòa bình từ nay…

III

Nhưng rồi một ngày kia
Bỗng từ đâu xuất hiện
Một con vật lạ kỳ
Chưa ai từng biết đến

Mỏ dẹp như mỏ vịt
Bàn chân có màng bơi
Lớn hơn cả ngỗng trời
Bộ cánh thì cực lạ

Trên nền trắng như tuyết
Mỗi lông là đóa hoa
Và điều không ai ngờ
Mỗi hoa riêng một sắc

Và con vật kỳ quặc
Bay đến giữa Hồ Xanh
Đe dọa cảnh thanh bình
Của loài chim cố cựu

Cả loài chim giận dữ
Nhìn kẻ lạ gầm gừ
Nhiều con muốn lao vô
Xé xác tên man rợ!

Nhưng tất cả đều sợ
Lệnh của chúa Phượng Hoàng
Hình phạt vô cùng nặng
Với kẻ làm chiến tranh.

Vùng vẫy giữa Hồ Xanh
Khi bắt mồi, khi múa
Coi hồ như của mình
Đất này không có chủ!

Loài chim gặp Phượng Hoàng
Xin thẳng tay trừng trị
Chúa loài chim lắc đầu
- Ta không muốn máu đổ!
Lúc này quân sư Cú
Hiến một kế tuyệt hay:
- Cách trừng trị nặng nhất
Là tất cả tẩy chay!

Từ bữa đó loài chim
Tránh xa con chim lạ
Tạo nên một vòng vây
Lặng im đầy khinh bỉ.

Và cũng từ hôm đó
Kẻ lạ thấy bơ vơ
Không anh em bè bạn
Nó sống như người thừa…

Một ngày rồi nhiều ngày
Khi không còn chịu nổi
Nó buồn rầu bay đi
Tìm Phương Hoàng để hỏi.

- Thưa Phượng Hoàng vĩ đại,
Vị chúa tể anh minh
Tôi làm gì nên tội?
Tôi thực sự bất bình!

- Lẽ ra mi phải rõ
Mi không phải loài chim
Hãy mở sách ra xem
Tên mi không hề có!

Và cả điều này nữa
Mi là kẻ dã man
Luật mi không coi trọng
Sống như loài rừng hoang!

- Tôi không phải loài chim?
Lạ kỳ không hiểu nổi!
Vậy loài chim là gì
Thưa Phượng Hoàng xin hỏi?

Mình tôi là một khối
Đầu và cổ dính liền
Thân phủ bằng lông vũ
Tim chưa tròn bốn ngăn!

- Cứ cho là như thế
Phương Hoàng gật gật đầu:
- Nhưng trông mi lạ hoắc
Có giống chim nào đâu?
- Giống nhau, chẳng giống nhau
Điều này không quan trọng
Nhưng đã là loài chim
Tôi có quyền được sống!

Được tự do kiếm mồi
Được tự do đẻ trứng
Và bay tít tầng cao
Nhửng khi nào tôi muốn!

Nhưng tôi không thể sống
Nếu không có bạn bè
Bị loài chim xa lánh
Như con vật nhuốc nhơ!

- Tự do bay, kiếm mồi
Nếu là quyền mi có
Thì thế giới loài chim
Có luật riêng của nó!

Chỉ được là loài chim
Những ai tuân Luật đó
Và màu sắc bên ngoài
Đừng khác loài chim quá!

Nghe chúa Phượng Hoàng nói
Con chim lạ cúi đầu:
- Ôi tự do mơ ước
Biết tìm đâu, tìm đâu?!

Nó ngẫm nghĩ hồi lâu
Rồi buồn rầu nói khẽ:
- Luật loài chim tôi theo
Xin cho vào đội ngũ!

Mi theo Luật, được thôi
Điều này không mấy khó
Cái phiền nhất lại là
Chính bề ngoài mi đó!

- Thì ngay chính vẻ ngoài
Tôi cũng xin từ bỏ
Chỉ cần giữa loài chim
Tôi được dành một chỗ!

Phượng Hoàng tươi nét mặt
Lòng rộn ràng niềm vui:
- Nếu mà mi đã quyết
Ta cũng chiều ý thôi!
Hẹn tới sáng ngày mai
Mặt trời lên khỏi núi
Mi hãy tới nơi này
Cùng anh em khai hội.

Mi chân thành hứa hẹn
Tuân theo Luật của loài
Và thợ sửa sắc đẹp
Sửa giúp mi bề ngoài

Công nhận mi hay không
Hội đồng cùng thảo luận
Dù có là Phượng Hoàng
Ta không thể độc đoán!

Chim lạ bay trở về
Vui, lo, buồn trăn trở
Mong tới sáng ngày mai
Để sự đời ra lẽ…

IV

Mặt trời lên khỏi núi
Tỏa lấp lánh Hồ Xanh
Cả loài chim tụ hội
Xung quanh chúa Phượng Hoàng

Trên cành cây ven hồ
Chim lạ đứng khiêm tốn
Nghe Cú đọc Luật xong
- Xin thề, chim hô lớn!

Hoan hô, hoan hoan hô
Bầy chim vui vỗ cánh!

Phần tuyên thệ đã xong
Phương Hoàng cao giọng nói:
- Thợ “làm đẹp”, xin mời!
Vẹt nhẹ nhàng bay tới!

Mỏ Vẹt thật tài tình
Như kìm lại như kéo
Với tài năng khéo léo
Vẹt làm hết sức mình!

Mỗi chiếc lông bứt ra
Dứt một phần cơ thể
Máu ứa khắp thân mình
Lòng quặn đau buồt xé!
Nhưng trong con tim nhỏ
Hy vọng đang mọc mầm:
- Đau đớn này qua khỏi
Hạnh phúc đang tới gần!

Ôi một góc Hồ Xanh
Lông chim bay lả tả
Những cánh hoa, cánh hoa
Bao sắc màu rực rỡ…

Và những giọt máu đỏ
Rơi tan trong nước hồ!

Hoan hô, hoan hoan hô!
Bầy chim vui vỗ cánh
Nghìn tiếng reo chào mừng
Luật Hòa Bình chiến thắng!

Và đàn chim bay lượn
Và bầy chim múa ca
Chúc mừng người bạn mới
Từ nay chung mái nhà!

Cảm tấm lòng bè bạn
Chim lạ chẳng thể yên
Phải múa điệu đáp lễ
Nó vỗ cánh bay lên…

Có ai ngờ cơ sự
Chân vừa rời khỏi cành
Nó rơi như hòn đá
Tung tóe nước Hồ Xanh!

Bầy chim thoáng giật mình
Rồi ồ lên, vỡ lẽ:
- Chim mà không biết bay
Rõ đồ vô tích sự!

Tội nghiệp con chim lạ
Vừa nhục lại vừa đau
Nhắm phương trời vắng vẻ
Nó bơi mau, bơi mau!

Nó nhớ bộ cánh đẹp
Tiếc khoảng rộng trời cao
Nhằm chân trời trước mặt
Nó bơi theo, bơi theo!


Nó bơi mãi bơi hoài
Không quay đầu nhìn lại
Mặc đói rét, rào gai
Bơi như là phát dại.

Tới vùng đất trắng phau
Không vượt qua được nữa
Nó mới chịu dừng chân
Ở lại miền tuyết phủ!

V

Khi nào bạn xem phim
Thấy một loài chim lạ
Cánh ngắn đến tức cười
Sống giữa vùng băng giá

Thì bạn ơi hãy nhớ
Câu chuyện kể hôm nay
Về loài Chim Cánh Cụt
Sống cách xa bạn bầy…




NHỮNG BÀI THƠ LẺ

1.BÀI HỌC

Không được sao cha?
Cha đưa con!
Cô gái nhìn cha mắt buồn in dấu hỏi.

Ðưa tập giấy cho con
Tránh cái nhìn cô gái
Ông lão cúi đầu như người có lỗi.

Ngày xưa
Ông dẫn lính xung phong
Không kẻ thù nào ngăn nổi.

Hôm nay
Xuôi tay cúi đầu
Trước bàn giấy lạnh lùng
Với vợ con ông thành có tội!

Cô gái trở về
Nụ cười trên môi

Ðược chứ con ?
Như đứa trẻ giọng ông hớn hở!

Ðơn giản thôi cha
Con lót tay cho họ trăm ngàn
Ðể được việc xem ra cũng rẻ !


2.VÔNG

Khát như thế
Nắng nung như thế
Mặt đất xác xơ như thế

Chợt một chùm hoa
Bừng lên từ những nhánh khô

Tươi hơn máu
Nóng hơn lửa

Chính màu đỏ chói chang như thế
Ta nhận ra mày là vông !


3. DÃ QUỲ

Dã quỳ trong mưa
Buồn như em khóc


4. NHỚ ÊM NHƯ RƯỢU
Nhớ nhà văn Mai Văn Tạo

Người của đầu thế kỷ 20
Công chức thời thuộc địa
Năm chục năm qua còn nơi anh một tý:
Quần áo phẳng phiu, nón lết-sê ngay ngắn trên đầu.

Như ông già quê ham kể chuyện xưa
Văn Anh có khi dài quá cỡ
Nhưng mênh mang hồn Nam Bộ
Châu Đốc, Núi Sam, Vĩnh Tế
Dượng Chín, thím Ba chân chất thân tình.

Một đôi lần cự lộn với anh
Biết Anh nóng mà giận Anh sao được
Nỗi yêu ghét nơi Anh rất thật
Niềm thiếu quê khắc khoải quặn lòng*

Có lần trong đám tiệc đông
Anh vui vẻ cụng ly mà không cầm đũa
Tôi gắp mời, Anh đỡ tay nói nhỏ:
" Tôi phải về ăn cơm với bả
Tôi không ăn e bả sẽ buồn!"

Nào thì cụng ly
Bia dường đắng hơn
Ðắng đót trong tôi cái tình ông lão!

Anh đi êm như rượu
Không buồn cũng chẳng đau
Nỗi nhớ êm như rượu
Càng lâu càng thấm sâu!
Sài Gòn 7.VI.2002


5. MẸ PALEXTIN


Vòm khăn đen
Ðen như trời đêm
Ðen như số phận
Ðen như
Mắt Mẹ mở to ngơ ngác
Kinh hoàng!

Mẹ nhìn về đâu?
Ngôi nhà đổ sụp phía sau
Chồng mẹ vùi trong gạch vỡ
Phía trước
Con trai mẹ diệt xe tăng bằng đá
Mẹ nhìn về đâu?

Mẹ Palextin
Thẫn thờ đi
Chiều đông giá!



6. CHÂN DUNG TỰ HOẠ 1989

Bố làm nhá báo hại
Mẹ cô giáo dở dang
Bà già nua lẫn cẫn
Con lũ học trò ngang

Khoai trồng không ra củ
Lúa cấy chẳng đậu bông
Con bán rau đầu chợ
Công an đuổi chạy vòng

Lương hết tháng chưa hết
Tiền không gạo cũng không
Con đòi áo đòi sách
Chồng ngó vợ muốn khùng!


INTERNET
Thân mến tặng Cụ Hải Như

Tám mươi tuổi lần đầu anh lên mạng
Chát với em ở cuối trời xa
Tứ thơ mới tượng hình trên giấy trắng
“meo” gửi em ở chốn thiên hà

Anh chợt thấy Trái đất này gần lại
Nhắp chuột thôi ta gặp nhau rồi
Anh thấy mình hôm nay như trẻ lại
Bởi có thêm một lẽ để yêu đời